Trang chính » Bài Viết » Góp nhặt cuộc sống

Giặt khô là hơi là gì ? quy trình như thế nào ?

Giặt khô là gì ?

Giặt khô là một thuật ngữ tương đối lạ với nhiều khách hàng. Thông thường, động từ “giặt” có thể hình dung là quá trình ngâm quần áo vào nước, sử dụng các loại hóa chất và lực cơ học để tẩy, rửa và đánh bật các loại vết bẩn ra khỏi đồ giặt – Nước là một yếu tố quan trọng bậc nhất trong ngành giặt. Vậy, giặt khô là gì?

 

1. Thế nào là giặt khô.

Quá trình giặt khô là một quá trình tương đối giống phương pháp giặt thông thường, cũng sử dụng hóa chất và lực va đập cơ học để đánh tẩy và làm sạch quần áo. Tuy nhiên khác biệt ở chỗ thay vì  được giặt trong nước, quần áo và đồ vải sẽ được giặt trong dung môi; và hóa chất sử dụng cũng là loại hóa chất khác biệt với hóa chất giặt thông thường. Nguyên lý tưởng chừng như đơn giản nhưng cấu tạo thiết bị và quá trình vận hành lại phức tạp. Giặt khô là một phương pháp giặt tẩy lý tưởng các loại vết bẩn như chất béo, dầu mỡ… với hiệu quả cao và không làm bạc màu, mất nếp trên đồ vải như khi giặt nước.

Dung môi được sử dụng phổ biến nhất trong các thiết bị giặt khô hiện nay là Perc và Hydrocarbon.

Quy trình đồ vải được giặt khô có thể tóm tắt bao gồm các bước như sau: Đồ giặt sau khi được kiểm tra sơ bộ sẽ được tiến hành “tẩy điểm” những vết bẩn nhỏ như mực bút bi, vết dầu mỡ... Sau đó đồ giặt được đưa vào máy với trọng lượng vừa đủ công suất của máy. Thiết bị sẽ tự động cấp dung môi, hóa chất và tiến hành giặt như máy giặt thông thường. Quần áo sau từ 2 – 5 quy trình giặt (tùy theo  chương trình giặt cho loại đồ vải cụ thể) sẽ được xả và vắt kỹ, sau đó sấy khô để bay hết dung môi trước khi đưa ra là và thổi để “hồi sinh” form chuẩn ban đầu của đồ giặt.

2. Vì sao phải giặt khô.

Giặt khô từ lâu đã trở thành 1 phương pháp giặt thay thế cho giặt nước đối với một số loại đồ giặt, có rất nhiều nguyên nhân để quần áo phải giặt khô trong đó có một số nguyên nhân chính như sau:

+ Loại vải nhạy cảm với nước:

Có một số loại đồ vải rất nhạy cảm với nước nghĩa là không thể chịu được điều kiện giặt máy thông thường. Với những loại chất liệu này nhất thiết phải giặt khô hoặc không phải được  giặt tay nhẹ nhàng với loại hóa chất đặc biệt không chưa xút và các loại chất tẩy.

Phai màu lên đồ trắng là ác mộng khi giặt tẩy, nguyên nhân của sự phai màu này chính là một số loại quần áo được lên màu bằng các loại chất nhuộm gốc nước sẽ rất dễ bị phai trong nước và bám lên những bề mặt vải sáng màu, tuy nhưng những chất nhuộm này lại khá bền khi giặt trong dung môi giặt khô và giúp quần áo giặt khô ít bị bạc.

+ Vấn đề co-rút vải:

Một số loại chất liệu chứa các sợi được làm từ lông hoặc sợi gốc động vật như len, tơ tằm..do cấu trúc sợi vải nên khi giặt trong nước sẽ dễ bị co, rút hoặc dão và nhăn.

+ Chất lượng đồ giặt:

Giặt khô mang đến sự hoàn hảo cho chất liệu vải và giúp giữ chất lượng và hình dáng đồ giặt như ban đầu. Trong thực tế để tạo kiểu dáng, giữ nếp và độ cứng của các loại quần áo mới, người ta thường phủ một lớp “hồ” đặc biệt , tuy nhiên khi giặt nước những lớp “hồ” này thường bị hòa tan trong nước làm mất đi kiểu dáng ban đầu và theo đó dần dần làm mất đi form dáng quần áo. Điều này rất ít khi xảy ra khi giặt khô. Giặt khô giúp bảo toàn quần áo như ban đầu và đặc biệt giữ bền màu sắc lâu hơn.

Ngoài ra ví dụ khi giặt áo lông vũ, giặt nước dễ khiến các mảng lông bên trong áo vón lại với nhau, theo thời gian áo mất dần độ xốp và nếu phơi trong thời tiết ẩm hoặc phơi không khô kỹ, sau một thời gian sẽ làm áo có mùi hôi.

3. Quy trình hoạt động của thiết bị giặt khô

Quy trình hoạt động của thiết bị giặt khô Perc bao gồm 2 phần: Đường đi của đồ giặt và đường đi của dung môi. Do đặc thù loại hình giặt này là giặt trong loại dung môi đặc biệt có khả năng thu hồi, nên dung môi trong thiết bị giặt khô luôn được tuần hoàn một mặt tiết kiệm chi phí nhưng mặt khác là bảo vệ môi trường.

+ Đường  đi của đồ giặt: Cơ bản giống như giặt ướt, đồ giặt được đưa vào thiết bị, thiết bị tự động cấp dung môi và đưa bơm hóa chất vào lồng giặt. Quá trình giặt được vận hành tự động các công đoạn giặt, xả và vắt khô. Đồ giặt sau đó được tiếp tục sấy trong thiết bị trước khi đưa ra ngoài để là, ép, thổi form và đóng gói.

+ Đường đi của dung môi: Sơ đồ dòng mô tả quá trình cấp, tuần hoàn của dung môi trong máy giặt khô công nghiệp được dẫn ra theo hình dưới đây:

 

Flow chart quy trình hoạt động của thiết bị giặt khô

Mặc dùng để sử dụng trong máy giặt khô, có thể chỉ cần sử dụng 1 ngăn dung môi, tuy nhiên nhìn chung trong các máy giặt khô thường sử dụng 2 ngăn dung môi, một ngăn để giặt  và 1 ngăn dung môi sạch hơn để giũ. Sau khi quần áo được giặt, lượng dung môi vừa sử dụng sẽ được lọc và một phần dung môi sẽ quay trở lại ngăn chứa dung môi, sẵn sàng cho mẻ giặt tiếp theo. Phần còn lại sẽ được chưng cất để loại bỏ dầu, mỡ, các chất bẩn, ngưng tụ và tách nước sau đó đưa về ngăn chứa dung môi. Các chất rắn và tạp chất được vệ sinh khỏi giàn lọc 1 ngày/1 lần vào cuối một ngày lam việc. Tuy nhiên, trong các dòng máy hiện đại ngày nay, các tạp chất này được qua một công đoạn “nung” để làm bay hơi và thu hồi tối đa lượng dung môi còn sót lại trong đó.

Hiện nay, các loại máy giặt khô có sử dụng thêm một option là đĩa lọc hấp phụ carbon hoạt tính để lọc màu và thu hồi lại được lượng dung môi nhiều hơn. Quá trình hấp phụ và giải hấp trong đĩa lọc than hoạt tính sẽ được trình bày trong những bài viết tiếp theo.

Quần áo sau khi giặt xong, sẽ chuyển sang chế độ sấy. Hơi nóng đi vào lồng giặt để làm bốc hơi lượng dung môi còn lại trên quần áo, đồng thời làm khô quần áo trước khi đưa đồ ra khỏi máy.  Quần áo sau khi ra khỏi máy sẽ được hoàn thiện bằng các loại máy khác như cầu là dập, cầu là nấm, cầu là cuff, former… để tạo dáng và đưa dáng quần áo về đúng chuẩn ban đầu, mang lại phong cách cho người mặc.

Kết luận: Giặt khô là một trong những phương pháp tẩy tiên tiến và hiện đại hiện nay. Quy trình giặt tẩy này mang lại rất nhiều lợi ích cho một số loại đồ vải nhất định. Hơn nữa, nó còn giúp bảo vệ và nâng cao tuổi thọ của quần áo, giúp đồ giặt tránh được một số yếu tố có hại như phai màu, bạc vải…. Dung môi chính trong giặt khô không phải là nước mà chính là loại dung môi Perc hoặc Hydrocarbon mà phần lớn hiện tại là Perc. Đã có rất nhiều lo ngại cho sức khỏe vì độc tính của Perc, vậy Perc là loại dung môi như thế nào và tính chất của nó ra sao ? 

 

Perc – Chất độc hay cú hích cho sự phát triển ngành giặt khô
- Có thể nói trước khi Perc xuất hiện, các loại dung môi giặt khô đều không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu của người sử dụng. Từ những năm 1950 khi lần đầu tiên Perc được giới thiệu, ngành dịch vụ giặt khô phát triển nhanh chóng nhờ những ưu điểm của loại dung môi này mang lại như khả năng làm sạch cao hơn rất nhiều so với các loại dung môi trước đây, ổn định, không cháy và an toàn với hầu hết mọi loại vải. Ngoài ra, với loại dung môi này yêu cầu các loại thiết bị ít cồng kềnh hơn, chiếm diện tích ít hơn và dễ lắp đặt hơn. Perc có khả năng tái sử dụng và quay vòng nhờ đó tiết kiệm được chi phí hoạt động và giảm giá thành giặt khô. Sau 12 năm, tới năm 1962, 90% lượng Perc sản xuất tại Mỹ được sử dụng trong ngành công nghiệp giặt khô.
 
 
- Nhờ những đặc điểm và khả năng hứa hẹn này mà Perc dần dần trở thành loại dung môi giặt khô phổ biến nhất trên thế giới, thành cú hích cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành giặt khô và đó cũng là động lực để các loại thiết bị giặt khô tiên tiến như chúng ta thấy ngày này hình thành và phát triển. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều lo ngại về việc sử dụng PERC đối với sức khoẻ người mặc và môi trường. Vậy PERC là thế nào; khả năng gây hại của PERC ra sao và liệu rằng có an toàn không cho người mặc đồ giặt khô?
 
- Perc hay tên đầy đủ là tetrachloroethylen là dung môi gốc Clo, công thức hoá học C2Cl4 chất lỏng không màu có mùi ngọt, khả năng bay hơi cao và không cháy. Việc phơi nhiễm Perc đối với con người chủ yếu qua hô hấp, hàm lượng hấp thụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ hoá chất, khối lượng cơ thể, nhịp thở và thời gian tiếp xúc. Perc khó có thể hấp thụ qua da nên con đường phơi nhiễm này ít được đề cập!
 
 - Theo báo cáo của cơ quan chống độc chất và ô nhiễm, thuộc cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ EPA, sau khi phơi nhiễm vào cơ thể con người, Perc vào phổi và theo máu tới các cơ quan và bị tích tụ trong mỡ hoặc các bộ phận chứa mỡ. Thí nghiệm trên động vật đưa Perc vào cơ thể qua đường tiêu hoá chỉ ra perc ảnh hưởng trực tiếp đến mô mỡ, gan và thận. Tuy nhiên Perc không được vận chuyển qua nhau thai và do đó không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Việc đào thải Perc ra ngoài chủ yếu qua đường khí thở và một số nhỏ trong nước tiểu.
 
- Khi được dùng đúng cách, PERC tương đối an toàn. Tuy nhiên hóa chất này cũng có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho sức khỏe. Tác dụng không tốt thường thấy của PERC là: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn khi nồng độ Perc trong khí thở vượt quá 100 ppm hay 678 m3/mg.
 
Vậy có chăng đồ giặt khô nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ? Có nhiều nghiên cứu và bài báo nói tới sự nguy hiểm của PERC, nhưng để đánh giá nguy cơ của nó ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng dịch vụ giặt khô lại là một vấn đề khác, hay như câu ngạn ngữ nổi tiếng của nhà hoá học Paracelsus thế kỷ 16: “Liều lượng tạo nên độc chất”
 
- Trên thực tế, những người mặc đồ giặt khô – (Ở đây đề cập tới công nghệ giặt khô tiêu chuẩn khép kín, với loại thiết bị giặt khô dry-to-dry thế 3 hoặc 4) vẫn có nguy cơ hít phải khí Perc còn sót lại trên bề mặt quần áo, tuy nhiên hàm lượng dư hoá chất này là rất bé và không gây ảnh hưởng gì đối với người bình thường khoẻ mạnh. Trên các phân tích của Perc đối với sức khoẻ con người, liều lượng bắt đầu gây ra các tác động vật lý đối với con người của Perc là 100 ppm và  mức phơi nhiễm không gây tác hại đến sức khoẻ (NOAEL) Perc là 14 mg/kg/ngày. Thực tế theo đánh giá của EPA năm 1988, nồng độ PERC có trong quần áo sau giặt khô ảnh hưởng tới không khí xung quanh là ở mức cao nhất khoảng 4 mg/m3 hay 0.75 ppm. Mới đây nhất vào năm 2011, mức độ phơi nhiễm Perc của các công nhân tại các xưởng giặt ở Bắc Âu đã được đánh giá, và kết luận hầu hết nồng độ phơi nhiễm hàng ngày của những công nhân này – những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất, ở mức 3 – 6 ppm/ngày. Đây là mức nồng độ nằm trong mức giá trị TLVs cho phép đảm bảo không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khoẻ của con người. (TLVs – Thresold limit values: Thông số thường được sử dụng trong các đánh giá độc chất và sức khỏe nghề nghiệp. Đây là mức giá trị giới hạn của một hợp chất hóa học đảm bảo những người làm việc với chất này hàng ngày không bị bất cứ ảnh hưởng gì tới sức khỏe, bao gồm cả ảnh hưởng tức thời và ảnh hưởng lâu dài. Giá trị này đối với Perc được quy định từ 20 – 25 ppm tại tùy từng quốc gia).
 
- Tuy nhiên, nếu sử dụng những loại thiết bị giặt khô không có đầy đủ các chức năng (như sấy, chưng cất, thu hồi…) hay giặt khô theo kiểu thủ công thì lượng khí PERC thải ra môi trường và dư lượng PERC trên quần áo là bao nhiêu là việc khó có thể kiểm soát!
 
Một trong những nguyên nhân PERC đang được cấm sử dụng dần dần trong các tiệm giặt khô là do ảnh hưởng của PERC đến môi trường đặc biệt là lo ngại nguy cơ PERC ảnh hưởng tới thuỷ vực, các loài thuỷ sinh. Mặc dù tốc độ thay thế PERC sang giặt bằng các loại dung môi khác đang diễn ra nhanh chóng, song PERC hiện tại vẫn đang là loại dung môi phổ biến nhất trong ngành công nghiệp giặt khô. Các thiết bị giặt khô của các hãng máy thế giới sử dụng PERC mỗi năm vẫn được tiêu thụ hàng trăm chiếc nhờ các cải tiến và ứng dụng kỹ thuật phát triển nâng cao hiệu suất thu hồi và tuần hoàn PERC tới hơn 99% và do đó an toàn hơn đối với người sử dụng cũng như môi trường làm việc xung quanh.
Danh mục: Góp nhặt cuộc sống | Người đăng: TieuBao (30-Mar-15)
Lượt xem: 1731 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng bình luận: 0
ComForm">
avatar
click ủng hộ vntamtay
Chát với Tôi
300
Liên kết quảng cáo
Buôn bán phụ tùng!
Đang truy cập

Trực tuyến: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
Khu đăng nhập
Video Clip
00:01:45

Khi loài mèo nổi giận

  • Views:
  • Total comments: 0
  • Rating: 0.0
Tỷ giá tiền tệ